Ngoài ý nghĩa giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc, thành ngữ, tục ngữ Việt luôn đem đến cái nhìn bao quát về các vấn đề trong xã hội. Khen có, chê có, những câu nói ấy đem đến nhiều bài học có ý nghĩa cho biết bao thế hệ.
Trong đó, Ăn xôi chùa ngọng miệng là một trong những thành ngữ mang tính phê phán. Nó chế giễu những người không dám nói ra sự thật. Sợ dính líu tới bản thân mình. Câu thành ngữ vừa có ý phê phán, vừa có ý nhắc nhở ta nên cân nhắc việc cho và nhận trong cuộc sống.
Vấn đề được đề cập trong thành ngữ này không phải là một hiện tượng hiếm gặp. Ở bất cứ thời điểm nào, ta cũng có thể rơi vào một hoàn cảnh oái ăm như thế. Khi lỡ nhận hoặc ăn quà của người khác, bạn buộc phải hành xử theo ý người ta. Không phải ai trong hoàn cảnh ấy cũng có thể sáng suốt đưa ra những lựa chọn phù hợp.
Xem thêm bài viết:
Ăn xôi chùa ngọng miệng
Chữ “ăn” quả là muôn hình vạn trạng. Trong mỗi câu nói, “ăn” lại thể hiện một ý nghĩa khác biệt. Ăn không nói có, ăn xổi ở thì, ăn mày đòi xôi gấc,… hay Ăn xôi chùa ngọng miệng là những thành ngữ được nhiều người sử dụng.
Ăn đã không còn đơn giản chỉ là hành động duy trì sự sống nữa. Mà nó còn biểu thị cho cách sống, cách hành xử của con người. Thậm chí nó còn là tiêu chí đánh giá người khác.
Ăn xôi chùa ngọng miệng mượn hình ảnh ăn xôi chùa để lấy ý liên tưởng. Ăn xôi chùa ở đây có thể hiểu là ăn xôi được làm đồ tấn cúng ở chùa. Nghĩa là thức ăn quý giá, vừa có giá trị lớn, vừa mang ý nghĩa tâm linh.
Song song với đó, ăn xôi chùa còn có nghĩa là ăn xôi không mất tiền. Chùa ở đây được hiểu là tiếng lóng dùng để chỉ kiểu ăn theo, hoặc được mời.
Ngọng miệng nghĩa là khó nói chuyện. Nghe chừng chữ ngọng chỉ để dành cho những đứa bé đang bi bô tập nói. Muốn nói lắm nhưng chẳng thể phát ra tiếng động nào. Không thể nói ra hoặc không thể làm theo suy nghĩ thật trong lòng mình.
Từ những ngữ nghĩa đó, Ăn xôi chùa ngọng miệng biểu thị tình huống lỡ ăn không của người khác rồi. Thì khi nói chuyện phải nói sao cho hợp ý của họ. Cần phải biết khen, chê sao cho hợp lí. Đồng thời cũng phải biết giữ mồm, giữ miệng. Lỡ ăn rồi nên phải cư xử, hành động sao cho đúng lẽ. Không được làm phật lòng người cho ăn.
Há miệng mắc quai
Ăn xôi chùa ngọng miệng cũng có ý nghĩa gần giống với câu Há miệng mắc quai. Khi lỡ ăn, lỡ nhận đồ hoặc quà tặng của ai đó, ta dễ bị sai khiến bởi người cho đồ.
Bỏ qua những ý niệm thuần túy xuất phát từ tình cảm con người. Thì phải khẳng định một sự thật rằng: chẳng ai cho không ai thứ gì. Khi đem cho người khác cái gì, ta cũng đều mang ít nhiều kì vọng trong đó.
Đó có thể chỉ là kì vọng về một lời cảm ơn hay một nụ cười. Nhưng vô hình trung ai cũng thầm trông đợi một điều gì đó từ thứ mình cho đi.
Vì thế nhận đồ của người khác rồi. Ta cũng thường có tâm lí phải đáp lại. Một là món quà ngang giá trị, hai là phải làm theo ý người đưa đồ. Chuyện này trở thành tư duy ứng xử của nhiều người Việt. Người ta tự ngầm hiểu với nhau chứ không cần ai phải trao đổi, thông báo.
Dẫu biết có qua có lại mới toại lòng nhau. Nhưng cái kiểu sống qua lại thái quá ấy, khiến cho tình cảm trở nên nhạt nhòa. Người ta dần lấy miếng ăn để sai khiến, ép buộc người khác vào tình thế khó chối từ.
Ví như hiện tượng tham nhũng, hối lộ. Quan chức lỡ ăn tiền, ăn quà của dân thì mặc nhiên phải làm “hài lòng” dân. Biết lúc nào cần ngậm miệng, lúc nào cần lên tiếng. Ăn tiền của dân thì phải chắc chắn xong việc. Nhiều người là vô tình. Nhưng cũng có lắm người cố ý ép buộc người khác nhận tiền, nhận quà để giúp việc cho mình.
Nỗi sợ dẫn tới vô cảm
Với sự biến đổi của xã hội hiện nay, việc cho nhận quà cáp hay những vật dụng đắt tiền trở thành vấn đề rất nhạy cảm. Người ta rất ngại ngùng khi phải nhận một vật nào đó của ai.
Như đã chia sẻ ở trên, không dám nhận, bởi nhận là sẽ thêm việc. Nhận là phải có trách nhiệm với người cho, với sự nhờ vả, gửi gắm. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho con người ta dần xa cách nhau. Nguyên nhân dẫn đến vô cảm.
Cái sợ liên lụy, sợ ảnh hưởng ấy khiến cho người ta trở nên sợ mọi thứ. Thấy cái sai những lỡ nhận đồ nên không dám lên tiếng. Thế nên sau này khi nhìn thấy cái sai lần thứ 2, thứ 3 hay lần thứ n, con người ta theo thói quen cũng im lặng, trầm mặc.
Im lặng trong nhiều trường hợp là đúng. Nhưng trong những trường hợp cần thiết, im lặng lại đem đến những hậu quả khôn lường.
Có nhiều người trên đường nhìn thấy cướp giật nhưng sợ bị liên lụy. Sợ bị trả thù nên không dám lên tiếng, không dám tố cáo. Rồi những câu chuyện về bạo hành trong gia đình. Nếu như trong những tình huống ấy, những người hàng xóm, những người thân dám đứng ra tố cáo thì có lẽ không có những hậu quả đau lòng đến thế.
Những kẻ xấu xa đúng là đáng sợ. Nhưng sự sợ hãi đến từ những trái tim vô cảm còn đáng sợ hơn rất nhiều lần. Vì sợ liên lụy, ta đã đứng nhìn đồng loại sống trong đau khổ hoặc chết trong oan ức, vật vã.
Sống dũng cảm
Thật chẳng dễ chịu chút nào khi phải làm điều mình không muốn. Hoặc vì lỡ nhận đồ của ai đó mà ta phải làm theo ý họ. Vậy đối mặt với những tình huống như vậy ta cần phải làm gì?
Trước hết, để tránh rơi vào những tình huống khó xử thì trước khi nhận gì, ăn gì của ai. Ta phải ngay lập tức nghĩ đến hậu quả. Nghe có vẻ phũ phàng, nhưng đó là điều cần thiết để ta tránh khỏi những rắc rối không đáng có.
Còn nếu như đã lỡ rơi vào tình huống ấy, ta cần bình tĩnh, tỉnh táo. Nếu sự việc có thể thực hiện được và không ảnh hưởng đến ai thì ta hoàn toàn có thể nhận lời thực hiện. Nhưng nếu yêu cầu từ người đó quá sức của bạn, không hợp pháp hoặc ảnh hưởng đến người khác. Bạn hãy dũng cảm từ chối.
Nợ ân tình mới là món nợ khó trả. Chính vì thế, sống dũng cảm, nhận định được cái đúng cái sai mới là điều ta nên làm.
Dũng cảm nhìn nhận và chịu trách nhiệm với hành động của bản thân là tiền đề để bạn có thể có được cuộc sống an yên. Sống thoải mái không phải chỉ là không liên quan đến những chuyện rắc rối. Mà đó là sống thật với trái tim, khối óc của mình.
Lời kết
Ăn xôi chùa ngọng miệng không phải là tình huống hiếm gặp. Bất cứ ai vào thời điểm nào cũng có thể rơi vào hoàn cảnh này. Việc cư xử sao cho hợp tình, hợp lí không phải là chuyện dễ dàng. Chính vì thế mỗi chúng ta cần bình tĩnh và nhận định tình hình để đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Tốt hơn hết là trong cuộc sống hãy cân nhắc kĩ lưỡng trước khi hành động. Sống dũng cảm để có thể có được những quyết định đúng đắn.
Thao khảo thêm bài viết: