Tình trạng cạnh tranh nhau, kẻ mạnh lấn át, tiêu diệt kẻ yếu là điều thường thấy trong cuộc sống. Đó cũng được xem như là một quy luật chúng ta buộc phải chấp nhận dù đôi khi không muốn. Thường thì, người có quyền có thế thì có thể “hô mưa gọi gió”, muốn làm gì cũng được. Mặc dù xã hội luôn hướng đến sự công bằng, dân chủ, văn minh nhưng những tình trạng bất công vẫn tồn tại rất nhiều. Ông bà ta có câu “Cá lớn nuốt cá bé”, quy luật này đến nay vẫn còn tồn tại.
“Cá lớn nuốt cá bé”
“Cá lớn nuốt cá bé” là một hiện tượng thường thấy trong đời sống hàng ngày. Đây là quy luật của tự nhiên, mạnh được yếu thua thì những chú cá lớn mạnh sẽ ỷ vào đó nuốt những chú các bé để tồn tại. Thử quan sát một vài hình ảnh từ dưới đại dương, bạn sẽ rất dễ bắt gặp hiện tượng này. Để tồn tại, cá lớn buộc phải nuốt cá bé để kiếm cái ăn. Chúng ta đều thấy, quy luật tự nhiên của muôn đời khó mà thay đổi được.
Mượn hình ảnh những ” cá lớn” để chỉ những kẻ mạnh, có thế lực,… còn những chú ” cá bé” đại diện cho những người ở thế yếu để từ đó phê phán hiện tượng ỷ mạnh hiếp đáp kẻ yếu. Cùng là loài người mà người mạnh ăn hiếp kẻ yếu, người khôn lưà gạt người ngu, than phiền cho nhân tình thế thái. Chính những kẻ như thế đã ảnh hưởng đến cả một xẫ hội, những kẻ dựa vào tiền tài, danh lợi chà đạp, hiếp đáp, coi thường những con người nghèo khổ chân yếu tay mềm.
Bài học được gửi gắm ở đây đó chính là mỗi chúng ta cần có cho mình những phẩm chất tốt đẹp không nên ỷ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, coi thường những con người thấp cổ bé họng, nghèo khổ. Những người sống chân thành, tốt bụng sẽ vẫn là những người được xã hội này cần đến, được xã hội tôn trọng, và cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa.
Kẻ mạnh kẻ yếu
Đôi lúc dù không muốn nhưng chúng ta cũng buộc phải chấp nhận những sự thật khiến bản thân vô cùng khó chịu. Trong số đó, những câu chuyện “Cá lớn nuốt cá bé” vẫn không hề thiếu. Có lẽ, chúng ta đã nghe nhiều về điều này hay thậm chí là chứng kiến cả nó. Chúng ta ban đầu sẽ thấy bất công, bực bội nhưng lâu dần bản thân sẽ lại ngầm chấp nhận nó như một quy luật chẳng thể thay đổi.
Chẳng hạn thời đi học, bạn có từng bực bội vì thầy cô ưu ái những đứa đi học thêm vì chúng đem tiền nuôi sống họ còn chúng ta, những đứa trẻ khó khăn lại chẳng thể làm điều đó. Tất nhiên, tôi không quy chụp cho tất cả những người được gọi là “giáo viên” nhưng ít ra, tôi thấy rất nhiều. Rồi lớn hơn một chút, tôi bắt đầu vào cơ quan xã chứng giấy tờ. Tôi chỉ là một công dân hàng ngày chấp hành theo quy luật của nhà nước nhưng vẫn bị những anh chị cơ quan khoác lên người bộ dạng lịch lãm kia “lời nặng tiếng nhẹ”. Chẳng lẽ, những người ở đó không phải là người nên phục vụ người dân và đang ăn trên đồng lương từ tiền thuế của dân hay sao?
Thậm chí bạn bị bệnh, bạn đi khám bệnh ở một bệnh viện làng xã nào đó, bạn vẫn bị đối xử như một kẻ phạm tội. Bạn chỉ và phải nên đứng đó, im lặng và không được làm bất cứ điều gì khiến cho bác sĩ cảm thấy xuống tâm trạng. Đó là những giây phút tôi thật sự mong mình lớn thật nhanh để có thể tự mình tạo ra cái quyền làm chủ, tự mình bảo vệ bản thân và những người mình yêu thương.
Quy luật của cuộc sống
Đã trải qua một khoảng thời gian dài với nhiều khổ luyện cũng như công sức, tôi đã có thể tự tin hơn khi ngẩng nhìn cuộc đời. Bản thân mình chẳng có quyền hành hơn ai nhưng ít ra mình không đến nỗi khiến người ta muốn tùy ý thế nào cũng được. Thật ra mà nói, quy luật mạnh yếu “Cá lớn nuốt cá bé” vốn là chuyện bình thường trong cuộc sống. Chúng ta sinh ra nhỏ nhoi yếu đuối đã là một cái tội.
Lúc nhỏ, tôi cũng e dè và lo sợ như thế. Bản thân mặc định rằng mình yếu nên mình chẳng có quyền. Bản thân không dám lên tiếng càng không nói gì đến chuyện phản kháng. Cứ như thế, những uất ức biến bản thân mình trở nên xấu xí hơn. Tuy vậy, tôi sẽ không bày ra bộ mặt cao ngạo hay hách dịch với những kẻ yếu nếu một ngày tôi thật sự trở thành kẻ mạnh. Để làm gì, trả thù đời hay trả thù xã hội? Tất cả những điều đó đều vô nghĩa bởi vì con người chúng ta khác với con vật ở chỗ sống trọng tình cảm.
Mặc dù thời đại bây giờ, tình cảm dần phai nhạt đi để thay thế cho vật chất hay những thứ bên ngoài khác nhưng nếu được, tôi vẫn muốn giữ nó lại. Tất cả chúng ta đều không muốn xã hội dần trở nên vô cảm như thế đúng không?
Mỗi người nhường nhau một chút
Thật ra nếu sinh ra trong gia đình quyền thế, bạn đã có bước khởi đầu tốt hơn người khác rất nhiều rồi. Tôi không nói đến chuyện mỗi hoàn cảnh đều có hạn chế riêng nhưng đủ cơm ăn áo mặc, được mọi người tôn trọng đã là một dạng đãi ngộ. Những người may mắn thường giúp đỡ cho những người kém may mắn, đó mới chính là tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc ta nhưng mấy ai làm được điều đó. Tôi chỉ thấy, kẻ yếu thường bị kẻ mạnh bắt nạt, thế thôi.
Xem thêm bài viết tham khảo: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”
Việc xây dựng một thế giới lý tưởng theo ý của mình là điều rất khó khăn nhưng hy vọng tất cả chúng ta đều quan tâm đến vấn đề đấy thêm một chút. Đất nước ta là một đất nước nhân ái, tất cả mọi người đều là đồng bào với nhau vậy nên bảo vệ và giúp đỡ nhau là chuyện rất nên làm. Đừng để “Cá lớn nuốt cá bé” để mọi người hãm hại lẫn nhau, tinh thần tương thân tương ái sẽ giúp đất nước chúng ta thêm phần phát triển.
Lời kết
Câu tục ngữ “Cá lớn nuốt cá bé” là một bài học ý nghĩa giúp mỗi chúng ta nhìn nhận lại cuộc sống và bản thân mình. Mỗi người đều có những suy nghĩ và ý kiến riêng nhưng hy vọng chúng ta đều có thể nhớ đến hai tiếng “đồng bào” và đưa đất nước dần phát triển đi lên.