Con người sống trên đời, điều gì làm cho mình cảm thấy tự hào nhất. Một trong số đó có lẽ là chuyện mình đã sống một đời oanh liệt, tiếng thơm vang xa. Đến ngay cả khi chết đi, người đời vẫn không thôi tán thưởng khi nhớ về chúng ta. Hoặc nếu không được lẫy lừng như thế cũng chẳng sao, ít ra trong ấn tượng của mọi người mình vẫn là một người đáng kính trọng. Vậy nên tục ngữ mới có câu “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”.
“Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”
Một câu tục ngữ tuy không quá quen thuộc nhưng lại như một lời nhắc nhở kiên quyết với chúng ta về cách sống ở đời. Con cọp khi chết đi, tuy xương thịt rã nát nhưng vẫn để lại bộ da quý giá. Tương tự như con người, họ dù đã chết nhưng tiếng tăm vẫn còn vang mãi về sau. Nếu được như vậy thì việc sống hay chết cũng không còn là điều quan trọng nữa.
Bài học trong câu tục ngữ là bài học quý giá sống mãi với thời gian.Từ ngàn xưa đến nay, vạn vật đều có sinh tử, không ai bất tử bao giờ. Lúc còn sống, chúng ta có người giàu, kẻ nghèo; người giỏi, kẻ dở; người hơn, kẻ thua kém. Thế nhưng, khi chết thì ai cũng là cái xác không hồn, không còn gì về vật chất. Cái mà chúng ta để lại là giá trị tinh thần, tiếng tăm của bản thân. Nếu chúng ta sống “đẹp” thì tiếng thơm lưu mãi ngàn năm, sống “không đẹp” thì suốt đời tiếng xấu vẫn còn.
“Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”
Vật chất hay những thứ phù phiếm bên ngoài đều có thể dễ dàng bị mất đi. Chỉ có tâm hồn con người là trường tồn, là còn lưu giữ mãi.
Dù bao nhiêu năm
Bằng chứng sống cho câu tục ngữ này là những vị anh hùng thời “mưa bom bão đạn”, họ đã sống và cống hiến hết mình cho thế hệ hôm nay. Có những người chỉ mới qua độ tuổi trăng tròn, có người đã qua đời chẳng nhớ nổi bao lâu nhưng tiếng thơm mà họ để lại vẫn còn vang vọng mãi.
Xem thêm bài viết tham khảo “Nói chín thì nên làm mười/Nói mười làm chín kẻ cười người chê”
Chúng ta lại được dịp nghe kể những câu chuyện hào hùng, tưởng tượng về những người chiến sĩ ngỡ như “mình đồng da sắt”. Nhưng sau tất cả, họ chỉ là những con người bình thường biết cảm nhận đau đớn và gian khổ. Cái mà họ luôn luôn ngời sáng là tinh thần bất khuất, là ý chí kiên cường không gì có thể lay chuyển nổi. Thử hỏi dưới gươm giáo, súng đạn của giặc, mấy ai còn đủ dũng cảm để ngoan cường? Vậy mà, họ đã làm được những chuyện không tưởng, vượt qua nỗi đau xác thịt và tiếp tục giữ vững ý chí. Chính vì vậy mà dù đã bao nhiêu năm, người ta vẫn không thôi nhắc về những anh hùng.
Muốn làm người xấu thì dễ nhưng làm người tốt rất khó. Bởi vì dù bạn có làm một trăm điều tốt, người ta vẫn chỉ nhớ đến một điều xấu của bạn và quy chụp bạn là người xấu. Đấy, làm người tốt, tạo tiếng thơm nào đâu phải chuyện dễ dàng. Cho dù cho ta không oanh oanh liệt liệt, không khiến người đời phải há hốc miệng khi nhắc đến tên thì ít ra, họ cũng không thể nói xấu mình. So với việc bị chỉ trích, tôi thà chấp nhận bị lãng quên.
Tiếng xấu đồn xa
Người ta thường nói “Nghĩa tử là nghĩa tận”, nghĩa là khi con người chết đi thì tất cả những gì liên quan đến họ cũng sẽ mất hết đi. Thế nhưng đôi khi, mọi chuyện lại không phải như vậy. Người làm điều ác không những bị trừng trị mà còn bị người đời này sang đời khác không ngừng nguyền rủa.
Người khơi màu chiến tranh, người gây ra sự tang tóc, người hung hãn, bao tàn,…Bao nhiêu thời gian trôi qua đều làm người đời không thôi nguồn rủa. Đó là cái giá phải trả, mỗi người đều có quyền chọn cuộc sống cho riêng mình nên đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh. Cùng một hoàn cảnh, tại sao một người vẫn như đóa hoa sen vươn lên trên bùn lầy còn người còn lại thì bị bùn áp chế? Là vì chúng ta không đủ mạnh mẽ, tâm hồn không đủ trong sạch. Vậy nên, đó là cái giá phải trả cho hôm nay.
Trong xóm tôi có một người phụ nữ chuyên làm điều xấu. Bà ta từng giành giật chồng người, cho vay nặng lãi, ăn không nói có gây chuyện khắp nơi. Vì bà ta mà biết bao gia đình tan nát, đau khổ và bất hạnh. Bây giờ đây, bà ta đã chết đi nhưng tiếng xấu vẫn còn mãi. Một người mà khi nhắc đến tên, ánh mắt người khác tràn đầy vẻ hận thù và chán ghét. Ngay cả khi chết đi, bà ta vẫn được mọi người nhớ đến. Nhưng liệu sự “nhớ nhung” này có thật sự khiến người đã khuất cảm thấy vui?
Chúng ta chỉ được sống một lần
Mỗi người chúng ta chỉ được sống trên đời đúng một lần. Dù bạn không thể tô vẽ cho nó đầy hoa lá thì cũng không nên biến nó trở nên u ám tối tăm. Làm người tốt thật sự không dễ nhưng cũng không quá khó. Tôi tin rằng, con người đều là những sinh vật lương thiện nhưng vì hoàn cảnh xung quanh mà biến đổi chút ít. Hôm nay, bạn chỉ cần nghĩ rằng mình sẽ làm được thì nhất định sẽ làm được.
Xem thêm bài viết tham khảo “Chỉ đâu mà buộc ngang trời/Tay đâu mà bụm miệng người thế gian”
Một người lương thiện cần qua quá trình tu dưỡng và rèn luyện. Chúng ta không chắc rằng mình có thể giữ được tâm hồn trong sạch này bao lâu vì cuộc đời nhiều biến cố. Thế nhưng, bạn vẫn phải luôn cố gắng trong những giây phút cuối cùng. Câu tục ngữ “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng” là một lời dạy hữu ích mà tất cả chúng ta luôn luôn phải ghi nhớ. Đừng để ngay cả khi chết đi, chúng ta vẫn là một kẻ đáng ghét trong mắt người đời.
Miệng là của họ, bạn sẽ không cản được. Nếu nghĩ đến viễn cảnh không mấy tươi sáng đó, bạn hãy chấn chỉnh bản thân ngay từ bây giờ.
Lời kết
Nhiều người sống cả cuộc đời cũng không biết mình sống vì điều gì, lý tưởng sống ở đâu. Họ thật ra chỉ là những cái xác không hồn rỗng tuếch đang vật vờ và vô định. Quan trọng nhất là, bạn phải tìm ra ý nghĩa cuộc sống của mình. Có như thế, bạn mới phấn đấu để sống tốt được.