Tôi lớn lên bằng những lời ru của mẹ, bằng câu ca dao của bà nên có một tình yêu tha thiết với dòng văn học dân gian của Việt Nam. Sau này, bản thân được tiếp xúc với nhiều thể loại hơn như tục ngữ, thành ngữ, vè,…lại thấy yêu thêm cái “hồn” mộc mạc mà thấm nhuần tư tưởng triết lý của dân tộc. Cứ mỗi khi gặp phải một tình huống nào đấy, tôi lại cố nhớ về một câu dạy của ông bà ta để nói cho nó có vẻ “văn chương”.
Và thật, chưa bao giờ tôi thất vọng bởi dù là bất kì hoàn cảnh nào cũng có câu phù hợp. Phải chăng là người xưa đã quá cao minh khi tinh tường tất cả mọi chuyện hay tự bao đời nay cuộc sống vẫn như vậy và tâm lý con người chỉ có bấy nhiêu thôi? Đã lâu như vậy rồi, mà những giá trị tư tưởng, bài học kinh nghiệm hay những lời nhắc nhở lớp con cháu đời sau vẫn còn ứng nghiệm. Hàng này, tôi nhìn những chuyện lướt qua mình, nhìn thế sự “vật đổi sao dời” chợt nhớ về một câu thành ngữ xưa của ông bà ta “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”.
“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”
Có lẽ ở cái thời nào cũng vậy, người có tiền, có gạo thì luôn dễ dàng chiếm lĩnh ưu thế. Hay nghe kể vào những lúc dân ta còn nghèo, đời sống phải nói là khổ đến cùng cực. Nhà nào cũng đông người nhưng chỉ toàn người già với trẻ nhỏ. Làm “đầu tắt mặt tối” mà chẳng đủ nổi bữa ăn. Lớp thì bị bề trên chèn ép, lớp lại đối mặt với cảnh khốn cùng. Và xã hội bấy giờ lại phân tầng rõ rệt, giàu nghèo cách biệt làm cái gì cũng đối lập nhau.
Thành ngữ có câu “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” thật chẳng sai. Cùng là dân đen với nhau nhưng cuộc sống của người có của lúc nào cũng được ưu ái. Ừ thì họ có tiền xu nịnh cho quan trên, họ có tiền đút lót bọn lính canh để đỡ phải làm việc nặng. Và có tiền để trở thành phú ông, phú bà rồi chỉ cần phẩy tay là có hàng đống tá điền chấp nhận bán mạng. Cái sự đời nó là như thế, người ta có tiền có gạo thì nó khác chứ sao.
Xem thêm bài viết có liên quan “Đói cho sạch, rách cho thơm”
“Có tiền mua tiên cũng được”
Đấy! Cả ông bà mình còn dạy thế cơ mà. Đủ thấy đồng tiền nó quan trọng tới mức độ nào. Có tiền rồi chẳng cần phải làm gì, chỉ cần thuê mấy người nông dân làm cho và mình trả cho họ vài đồng bạc lẻ. Cứ thế mà của cải có khi lại càng ngày càng tăng lên. Mình cũng làm nhưng là ngồi đếm tiền, công việc cũng “nặng nhọc” phết nhỉ. Có tiền, có gạo lại thêm có quyền nữa thì khỏi nói. Muốn “chửi chó mắng mèo” gì cũng được, thậm chí là đánh người cũng được tất. Vì người nghèo ngày xưa có được tiếng nói gì đâu, có chuyện vỡ lẽ thì lót ít tiền cho mấy quan thế là xong. Đồng tiền làm người ta thích nhưng cũng lại gây căm phẫn cho bao người.
Cứ như thế, ai có tiền làm lớn còn kẻ nghèo hèn phải chịu bị ức hiếp. Cuộc sống cứ thế mà trôi qua mỗi ngày. Thế hệ này sang thế hệ khác làm thuê làm mướn chẳng có dư, còn kẻ giàu thì cứ giàu mãi. Bởi “Con vua thì lại làm vua, con sải ở chùa thì quét lá đa”.
Cuộc sống hiện đại vẫn “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”
Ai chẳng biết người Việt Nam ta lấy nhân nghĩa làm đầu, coi trọng tình cảm và đạo lý. Thế nhưng, đồng tiền vẫn là phép màu vạn năng dù ở thời đại nào đi nữa. Mà thời hiện đại, tiền lại càng quý giá biết bao nhiêu. Cứ thử nghĩ mà xem, xã hội bây giờ hở ra đã là tiền. Ví như thiếu gạo cũng kiếm củ khoai, trái bắp, con cá nhỏ,….sống lay lất qua ngày. Hoặc không có tiền đóng tiền điện, bị niêm phong cầu chì thì chấp nhận sống bằng đèn cầy cũng được đi nhưng mà không có tiền đóng tiền nước thì chết chắc rồi. Đó thấy không, vậy thì đồng tiền quyết định tất cả.
Tình yêu có thể làm cho chúng ta thêm sức mạnh để vượt qua khó nghèo, nhưng lũ con nheo nhóc lần lượt ra đời. Chúng nó thiếu thốn đủ thứ, ăn mặc không có nữa là những vấn đề khác. Không có tiền thì sẽ không bảo đảm cho cuộc sống cho con, vô tình chúng nó lại thành gánh nặng cho ta, rồi ta vất chúng nó ra đường để trở thành “sự xa lánh” của xã hội. Thời này mà còn “một túp lều tranh hai quả tim vàng” sao? Yêu nhau mà không có gạo, có tiền thì chắc sẽ chết đói trước khi tạo nên một tình yêu đi vào thiên tình sử rồi.
Tự bạn nhận định về đồng tiền
Tôi không cổ xúy cho lối sống đặt đồng tiền lên hàng đầu mà quên đi lý lẽ, luân thường đạo lý. Tôi chỉ muốn nói rằng, tiền thật sự quan trọng. Dù ở cái thời nào cũng vậy, nó có thể mua được cả những thứ mà mình không ngờ tới. Có một câu nói thế này “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Tôi không biết đây đơn thuần chỉ là một câu bông đùa hay là một sự châm chọc nào đó?
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta cứ chăm chăm vào kiếm tiền mà quên đi những giá trị tốt đẹp xung quanh, hoặc vì kiếm tiền mà bất chấp thủ đoạn. Tiền quan trọng thật nhưng có những cái còn quan trọng hơn nữa. Chúng ta kiếm tiền để phục vụ bản thân, nâng cao đời sống,…cốt yếu cũng chỉ mong hạnh phúc và vui vẻ. Vậy ra, chỉ cần đủ tiền để làm mình vui là được. Vì tiền có đổi được sức khỏe hay hạnh phúc đâu? Đồng tiền giá trị như thế nào tùy thuộc vào cách bạn nhận định.
Lời kết
Thật ra, thời đại nào thì câu thành ngữ “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” cũng luôn đúng. Nhưng chúng ta hãy nhìn nhận nó theo một nghĩa tích cực. Lấy đó là động lực để phấn đấu, kiếm tiền để hỗ trợ cho con đường đi tìm lý tưởng sống đích thực trở nên dễ dàng hơn. Tiền thì quan trọng nhưng có những cái mãi mãi vẫn không thể mua được bằng tiền. Tôi tin rằng, chúng ta đều đủ lớn để họ đó là những cái gì và đâu là ưu tiên hàng đầu trong suốt cuộc đời của mỗi chúng ta.