Khi con ở độ tuổi chuẩn bị đến trường, ba mẹ phải chuẩn bị rất nhiều thứ cho cả bé và mình. Họ phải lo lắng nhiều thứ vì con chuẩn bị phải xa vòng tay nâng đỡ, bao bọc để tự bước trên con đường trưởng thành. Trên thực tế, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến rằng phải làm những gì cho bé trước khi vào lớp Một, hay như nên sắm cho bé những vật dụng gì cần thiết. Hãy gạt tất cả sang một bên, tại sao bạn không bắt đầu bằng việc giúp bé học Bảng chữ cái? Bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ chia sẻ những bí quyết để các bậc phụ huynh có thể giúp con yêu nhanh nhớ Bảng chữ cái.
9 bí quyết giúp bé nhanh nhớ Bảng chữ cái
Trang bị Bảng chữ cái mới
Vẫn biết là từ khi bé bắt đầu biết nói, ba mẹ đã sắm cho bé tất cả những thứ tốt nhất để bé bắt đầu làm quen với chữ cái. Nhưng đa phần là những thứ có thể giúp bé thiên về vui chơi nhiều hơn. Ở độ tuổi chuẩn bị đến trường, bạn cần trang bị cho bé những thứ cần thiết hơn để cân bằng giữa học và chơi hay thậm chí là thiên về học nhiều hơn.
Xem thêm: Mẹo dạy bé học Bảng chữ cái tiếng Việt
Muốn bé biết đọc sớm, các mẹ nên mua các Bảng chữ cái in trên giấy lớn có các hình con vật, cây cỏ và dán, treo ở tường nhà, phòng của bé. Bảng chữ cái điện tử rất được ưa chuộng hiện nay. Sản phẩm này rất hữu ích, có thể phát âm từng chữ cái khi bé chạm ngón tay vào. Vì tính tò mò, thích khám phá, bé sẽ chỉ các con vật, cây cỏ hay chạm vào bảng chữ cái điện tử như một cách để vui chơi. Khi đó, các mẹ giúp bé đọc, nhận biết mặt chữ cái.
Chữ có hình thù và màu sắc
Não bộ non nớt của bé phản xạ rất nhạy với màu sắc sặc sỡ và hình ảnh sinh động. Do đó, các mẹ nên cân nhắc về việc lựa chọn Bảng chữ cái, hay bộ đồ chơi Bảng chữ cái có hình thù ngộ nghĩnh và màu sắc bắt mắt cho bé. Hình ảnh, màu sắc khiến trẻ nhỏ nhớ lâu hơn là chỉ đọc bằng miệng. Vì thế, khi đọc từ nào, mẹ hãy chỉ sang hình minh họa đấy. Chẳng hạn chữ Ô thì chỉ cái ô; A thì chỉ hình con cá, E thì chỉ hình chiếc xe… Mỗi lần nhìn thấy các vật này, bé sẽ liên tưởng ngay đến chữ cái đó.
Luôn hướng dẫn bé khi đọc
Để bé học một mình thì sẽ không hiệu quả bằng khi được hướng dẫn, do đó, bạn nên dành chút thời gian để hướng dẫn bé đọc Bảng chữ cái mỗi ngày. Các mẹ có thể mua Bảng chữ cái rồi treo lên tường, hay các chữ cái rời có gắn nam châm rồi dính lên cánh tủ lạnh, thậm chí có thể sắm một bảng đen nhỏ rồi viết chữ lên đó bằng phấn. Sau đó, dùng ngón tay, thước chỉ vào chữ mà mẹ dạy cho bé đọc, bé sẽ dễ theo dõi và nhớ mặt chữ hơn.
“Học đi đôi với hành”
Làm việc gì cũng vậy, học gì cũng vậy, ký thuyết thôi là không bao giờ đủ, thậm chí là không thể giúp bé tiến bộ được. Do đó, học đến đâu thì các mẹ cần cho bé thực hành luôn đến đó. Khi dạy bé chữ cái nào, mẹ nên cho trẻ đọc luôn để trẻ nhớ chữ đó lâu hơn. Không chỉ cho trẻ đọc ngay sau khi học từ đó mà khi chuyển sang học những chữ khác, mẹ cần kiểm tra lại xem thử trẻ còn nhớ chữ đã học trước đó không. Việc để bé nhắc đi nhắc lại những chữ cái đã học sẽ nhanh chóng ghim những chữ cái đó vào bộ nhớ của bé. Từ đó, bé sẽ nhớ nhanh hơn, lâu hơn và phản xạ hình dung tốt hơn rất nhiều.
“Học mà chơi, chơi mà học”
Học tập bao giờ cũng làm bé thấy căng thẳng và chán nản và đây là điều khó khăn để khiến bé tập trung trong buổi học. Do vậy, cần một giải pháp tối ưu để khắc phục điều này. Các mẹ hãy thử thực hành theo cách sau đây. Hãy biến thời gian tập đọc cho bé thành những khoảnh khắc vui vẻ, thú vị sẽ giúp bé biết đọc nhanh, nhớ chữ lâu hơn.
Chẳng hạn bạn mua cho bé một bộ chữ cái rời nhau, sau đó cho các chữ cái vào một cái rổ hay chậu và chơi trò buôn bán với bé. Mẹ có thể nói “bé bán cho mẹ chữ K, K – Kem nhé”, “Con bán cho mẹ chữ A”, nếu bé lúng túng chưa biết tìm chữ K, A ở đâu thì mẹ gợi ý, hỗ trợ cho bé.
Xem thêm: Dạy bé Học chơi với Bảng Chữ Cái in hoa
Trò chơi này còn phát huy tác dụng khi bé biết các chữ cái và bắt đầu làm quen với ghép các từ với nhau. Chẳng hạn, mẹ có thể nói với bé “Mẹ muốn mua quả NA, N – A NA”. Khi nghe mẹ đọc rõ ràng như vậy, bé sẽ tìm các chữ cái để ghép vào đúng món mẹ cần.
“Học mà chơi, chơi mà học” giúp bé rất nhiều trong quá trình học chữ vì bé vừa được đọc, vừa được luyện tập khả năng ghi nhớ và ghép từ. Các mẹ nên nghĩ ra nhiều trò chơi hơn để củng cố kiến thức đã học cho bé.
Học mọi lúc mọi nơi
Môi trường xã hội xung quanh bé, đâu đâu cũng là nơi thích hợp cho bé học tập. Không phải chỉ khi nào ở nhà các mẹ mới dạy bé tập đọc mà có thể khi chở con đi chơi, đi siêu thị, đi công viên… mẹ vẫn dạy cho bé được. Chẳng hạn, mẹ có thể chỉ cho trẻ chữ cái in trên biển quảng cáo, quần áo, biển báo giao thông, trên chai nước… để bé đọc chữ, hay có thể chỉ cho bé các biển báo giao thông. Như vậy, bé không chỉ được học chữ mà còn được học thêm các ký hiệu biển báo, các logo, biển hiệu,…Cách này sẽ giúp kích thích tư duy và trí nhớ của bé rất nhiều.
Xem thêm: Bảng chữ cái in hoa: bước đệm cho bé
Ngay cả trong khi tắm bạn cũng có thể dạy bé tập đọc. Đây là thời điểm bé ít bị phân tâm bởi các trò tiêu khiển do đó rất dễ để có được sự tập trung của bé.
Rèn luyện phát âm
Khi mới tập đọc, trẻ nhỏ thường sẽ phát âm chưa đúng hay có những bé sẽ bị ngọng. Các mẹ đừng vì thế mà la mắng, bắt bé phải đọc đúng nhé. thay vào đó, các bạn để bé tập đọc nhiều hơn, phát âm nhiều hơn, dần dần bé sẽ sửa được những âm sai và những chữ bị ngọng. Trong quá trình bé giao tiếp, vui chơi, khôn lớn khả năng phát âm của bé sẽ hoàn thiện hơn. Thoải mái hơn với bé là cách hiệu quả để giúp bé có một tâm lý tốt và bắt tay vào việc học.
Học qua video
Các video dạy học trên kênh Youtube rất hữu ích cho cả mẹ và bé. Mỗi ngày, bạn hãy dành một chút thời gian để cùng bé xem các video dạy học trên đó. Những video có nhiều hình ảnh minh họa sinh động, các chữ cái ngộ nghĩnh cùng những màu sắc đẹp mắt và âm thanh sống động, chuẩn xác. Khi video phát đến chữ cái nào, bạn đọc rõ ràng chữ cái đó và để bé đọc lại thật to, nếu bé chưa nhớ, mẹ có thể tua lại đoạn trước đó để bé hình dung được và nhớ chữ cái đó cũng như hình minh họa.
Đọc sách, kể chuyện cho bé
Sách không chỉ cung cấp thông tin cho bé mà khi nghe ba mẹ đọc sách bé sẽ dần yêu thích chữ cái và ham học hơn. Bé rất thích truyện tranh vì những hình thù ngộ nghĩnh và những tình tiết lý kỳ trong đó. Khi kể, các mẹ nên nhấn nhá, đọc truyền cảm để bé thích thú hơn.
Những bí quyết trên đây rất bổ ích phải không nào? Các mẹ có thể áp dụng ngay lập tức với bé yêu từ bây giờ, bé càng sớm thuộc Bảng chữ cái thì càng giúp ích nhiều cho bước tiến của bé. Hãy chia sẻ những đóng góp và bí quyết với chúng tôi để cùng nâng bước bé yêu nhé!