“Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa”
Một câu ca dao đã tồn tại từ rất lâu đời và cho đến nay, nó vẫn được xem như là một lời khẳng định không thể chối cãi. Mặc dù rằng, chuyện đúng sai ở đời ít khi nào có một khái niệm chung, phần lớn là tự chúng ta định đoạt nó theo quan điểm cá nhân của mình.
Truyền thống cha truyền con nối đã xuất hiện từ thời phong kiến xa xưa, đến bây giờ dù không thừa nhận nhưng người ta vẫn ngầm hiểu là chuyện đấy đang tồn tại.
“Con vua thì lại làm vua”
Rõ ràng, cha truyền con nối là quy định của các vương triều phong kiến , vua là thiên tử và khi vua về già thì con trai với phong vị thái tử sẽ lên ngôi. Dù khi nhà vua mất, con trai vẫn còn nhỏ nhưng cũng không thể để hoàng hậu buông rèm nhiếp chính cũng như các thế lực bên ngoài thay thế mà vẫn đảm đương trọng trách gánh vác giang sơn. Thế mới có câu “Con vua thì lại làm vua”.
Chúng ta đều hiểu được rằng, đây là một quy luật đã có từ rất lâu và cái gì thuộc về quy luật thì rất khó để thay đổi. Dẫu cho đến tận bây giờ, người đời cho truyền thống đó là độc đoán và lạc hậu nhưng ít nhiều vẫn tồn tại ở thời hiện đại. Hiện tại, đất nước chẳng còn ông vua nào nhưng tục “cha truyền con nối” vẫn cứ thế mà diễn ra phổ biến ở khắp nơi.
Con của nhà lãnh đạo lại trở thành lãnh đạo, con của giáo viên thì theo nghiệp giáo viên, còn con nhà nông có khi cũng lại tiếp tục nối nghiệp. Tất nhiên rằng, mỗi người đều tự do và bình đẳng ở thời đại ngày nay. Vậy nên, họ hoàn toàn có quyền để lựa chọn nghề nghiệp cho mình. Thế nhưng, có những nghề cần những khả năng đặc thù và không phải ai cũng có thể làm được. Vậy mà, rốt cuộc họ vẫn có thể chễm chệ ngồi trên những chiếc ghế quyền lực đó.
“Con sãi ở chùa thì quét lá đa”
Thật chất, câu ca dao này có hàm ý là con cái của những gia đình thấp kém, không có quyền lực thì số phận định sẵn sinh ra để nối nghiệp cha của họ. Chúng ta ít nhiều đã từng tận mắt chứng kiến những câu chuyện nghiễm nhiên xảy ra hàng ngày như thế và lấy đó làm quen thuộc.
Bạn tôi học hành rất giỏi, nhân cách không có gì để bàn cãi nhưng cuối cùng vẫn bị trù dập ước mơ. Từ nhỏ, nó đã mong muốn có thể trở thành một luật sư để đòi lại công bằng cho những người dân lao động nghèo. Những tưởng chỉ cần cố gắng và nỗ lực không ngừng, nó đã có thể chạm được đến mơ ước đó. Thế nhưng, một cậu trai trẻ xuất thân từ gia đình khó khăn, không có lấy một mối quan hệ với “người trong ngành” thì làm sao mà dễ dàng được.
Hôm nó thất thần đến nhà bảo với tôi người ta đòi chi mấy trăm triệu, cầm tấm bằng loại giỏi trên tay mà sao chẳng thấy vui. Cả hai chúng tôi đều hiểu rằng, gia đình nó không thể có khả năng chi trả số tiền đó. Trong khi đứa bạn cùng lớp suốt ngày rong chơi lại một phát vào làm ngay vì có ba làm chánh án. Đúng là cuộc đời lúc nào cũng tạo cho người ta bất ngờ.
Chấp nhận hay đấu tranh?
Xã hội ngày càng hiện đại và phát triển, con người cũng từ đó mà nâng cao chất lượng đời sống của mình hơn. Họ biết chăm chút, chắt lọc và tìm cho mình những gì tốt nhất. Lẽ dĩ nhiên rằng, mỗi người đều mong muốn mình có thể hưởng cuộc sống an nhàn và sung túc, ai cũng muốn ngồi ở vị trí trên cao và xa lánh công việc nặng nhọc thường ngày. Nên như thế nếu những con người đó luôn không ngừng cố gắng chứ không phải chỉ là dựa vào mối quan hệ nào đó.
Thực chất, có rất nhiều công việc nhờ vào mối quan hệ và đưa những người thân thiết của mình vào làm. Không riêng gì con cái mà có thể là cháu chắt, họ hàng, bạn bè,…Chỉ cần trong gia đình có một người làm lớn thì cả nhà có thể yên tâm. Nói chung, chúng ta ban đầu còn bức xúc và bỡ ngỡ nhưng lâu dần cũng thành quen. Vì bạn phải chấp nhận sự thật rằng, bạn không thể thay đổi được điều đó.
Người ta nói “Nhất quan hệ, nhì tiền tệ” cũng là có cái lý của nó. Nếu bạn không có một ai chống lưng thì bạn có thể thay thế bằng tiền. Còn chuyện không có cả hai thứ thì sao à? Vậy thì bạn phải nỗ lực hơn người khác gấp nhiều lần hơn. Chúng ta không chắc rằng sự nỗ lực không ngừng đơn thuần có thể giúp bạn hoàn thành ước mơ ấp ủ nhưng ít ra, bạn có thể tiến gần ước mơ hơn.
Tự vỗ về bản thân rằng tất cả sẽ ổn
Đừng trách đời bất công cũng đừng trách người dối trá, tất cả chẳng qua cũng chỉ là một quy luật ngầm đã tồn tại từ rất lâu mà thôi. Cho dù muốn thay đổi cũng không phải là chuyện một mình bạn có thể làm được. Khi tôi bắt đầu hiểu những chuyện này, tôi cũng cảm thấy coi thường và bất công. Nhưng lâu dần, nhiều vấn đề tương tự làm tôi cũng trở nên quen thuộc. Chắc chắn rằng, mình phải chịu “sống chung với lũ” thôi.
Xem thêm bài viết tham khảo “Màn hoa lại trải chiếu hoa/Bát ngọc thì phải đũa ngà mâm son”
Cuộc sống chính là như vậy, bạn muốn làm một người trong sạch và lương thiện nhưng mọi chuyện đâu phải bao giờ cũng như ý mình. Đôi khi, mình phải lươn lẹo và khôn lanh một chút mới mong có cơ hội sống tốt hơn. Tôi không cổ vũ những việc làm đó, cũng không nói chúng ta cứ sống trái với lương tâm. Chỉ là, nương theo thời thế cũng xem như là kẻ thức thời.
Đoạn kết
“Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa”
Nếu chúng ta không làm cách nào để thay đổi quy luật của muôn đời thì hãy tập cách chấp nhận sống chung với nó. Một người thấp cổ bé họng chẳng nói lên được gì mà mỗi người đều sợ vạ lây cho chính bản thân mình. Vậy nên, đừng nhìn vào người khác mà hãy tập trung phát triển chính mình. Nếu mỗi người đều nghĩ được như thế thì những thế hệ sau này sẽ đưa tất cả mọi việc trở về đúng bản chất tốt đẹp của nó.