Thờ ơ, vô cảm là một lối sống đáng phê phán. Dù ở thời đại nào thì cách sống này cũng khiến xã hội thụt lùi, con người ngày càng xa cách nhau hơn. Để nói đến vấn đề này, ông cha ta có câu Đèn nhà ai nấy rạng.
Xem thêm: Lời nói gói vàng
Đèn nhà ai, nhà nấy rạng
Cuộc sống của chúng ta xoay quanh rất nhiều mối quan hệ khác nhau. Để sống vui và hạnh phúc, ta phải xây đắp, gìn giữ những mối quan hệ ấy. Dù cho là trong gia đình hay ngoài xã hội, ta luôn phải có sự quan tâm, sẻ chia với những người xung quanh.
Đèn nhà ai, nhà nấy rạng hàm chứa nhiều dụng ý nghệ thuật. Người xưa đã mượn hình ảnh chiếc đèn trong gia đình để ám chỉ hành vi ứng xử của con người.
Trong mỗi gia đình, đèn là dụng cụ để phát sáng. Sống phải có đèn dầu, chết phải có kèn trống, đèn được coi là một đồ vật bắt buộc phải có. Nó không chỉ có tác dụng phát sáng mà còn mang ý nghĩa tinh thần. Ánh sáng của ngọn đèn lan tỏa đến đâu thì không gian văn hóa của gia đình được mở rộng đến đấy.
Hình ảnh cả gia đình cùng xúm xít trò chuyện bên cạnh ngọn đèn dầu đã trở thành kí ức trong lòng biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Những người vợ, người mẹ chờ chồng con ra trận cũng từng làm bạn với ánh đèn này. Có thể nói, ngọn đèn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của con người.
Đèn nhà ai, nhà nấy rạng chỉ những chiếc đèn chỉ sáng trong căn nhà mà nó đang được thắp sáng. Câu nói phản ánh một lối sống đáng phê phán. Đó là lối sống hẹp hòi, ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Và đáng buồn là sự thờ ơ, vô cảm ấy lại xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội.
Tối lửa tắt đèn…
Người Việt Nam ta có truyền thống làng xã. Nghĩa là mối quan hệ cộng đồng rất được coi trọng. Trong một tập thể, bất cứ một việc gì của cá nhân cũng là của tập thể. Một cậu học trò học hành đỗ đạt thì cả làng được vinh hiển, một người phụ nữ lỡ bước sa chân thì cả làng phải chịu phạt. Từ nhà ra ngõ, ta thấy đâu đâu cũng là các mối quan hệ khắng khít.
Mỗi con người là một bản thể khác biệt. Nhưng bản thể ấy phải tổng hòa chung với dòng chảy của xã hội. Xưa có câu: Bán anh em xa, mua láng giềng gần hay Tối lửa tắt đèn có nhau. Những câu nói ấy thể hiện rất rõ tầm quan trọng của các mối quan hệ. Ngoài người thân trong gia đình, thì những người bạn, người hàng xóm là những người đầu tiên bên cạnh ta mỗi lúc khó khăn, họa nạn.
Thử hỏi, run rủi một ngày nhà bạn bén lửa, cháy to, bạn có thể tự mình dập lửa hay không? Hay như việc nhà neo người, nhưng có người ốm đau, bệnh tật thì có sự giúp đỡ của hàng xóm chẳng phải là đáng quý lắm hay sao? Rồi một ngày nọ, nghe tiếng la thất thanh bên nhà bên cạnh, bạn có thể coi như không có chuyện gì không? Đứng trước một cụ già, một em bé đang cần giúp đỡ, bạn có nỡ lòng quay mặt bỏ đi hay không?
Tương thân tương ái đã trở thành truyền thống, trở thành chuẩn mực đạo đức. Sống chan hòa, biết sẻ chia là điều ông cha ta luôn răn dạy con cháu.
Tham khảo thêm: Mèo nhỏ bắt chuột con
Sống chết mặc bay
Thế nhưng, ngày nay lại hình thành nhiều luồng tư tưởng mang tính cá nhân. Nó khiến cho con người ngày càng rời xa nhau hơn. Đèn nhà ai nấy rạng, chuyện nhà ai người nấy lo đã là phong cách sống của không ít người.
Không thể phủ nhận rằng bất cứ ai cũng cần có sự riêng tư. Nhưng sống trong xã hội, bạn phải tổng hòa cái chung và cái riêng. Vô cảm trước niềm vui hay nỗi đau của người khác là điều không thể chấp nhận được. Cái suy nghĩ cá nhân, ích kỉ, hẹp hòi chỉ khiến ta cô độc.
Tư tưởng sợ phiền, sợ thêm bận rộn có lẽ là lý do phổ biến nhất. Và cái suy nghĩ ấy đã dẫn đến hành động không giúp đỡ, không quan tâm. Đáng sợ hơn, nó không chỉ một lần mà nó tạo thành thói quen. Từ lần này sang lần khác vẫn giữ thói quen ấy. Cuộc sống của những người xung quanh không liên quan đến bạn nên họ có khó khăn, hoạn nạn thì cũng chẳng liên quan gì tới mình. Miễn là cuộc sống của mình vẫn bình yên, còn những thứ khác dường như là vô can.
Chính cách sống như vậy đã làm rạn nứt các mối quan hệ. Sống ích kỉ khiến con người ta xa lánh nhau. Mà sự xa lánh của lòng người thực sự đáng sợ. Bạn cho đi điều gì thì cuối cùng bạn sẽ nhận lại những điều đó mà thôi.
Chỉ là vô tâm hay sống thiếu trách nhiệm
Đọc những bài báo hay nhìn rộng ra hiện thực cuộc sống, ta mới thấy lối sống thờ ơ vô cùng đáng sợ. Một cô gái bị tai nạn giao thông, nằm bất động bên đường nhưng những người nhìn thấy chỉ ngó lơ rồi bỏ đi. Hậu quả là cô ấy đã chết do không được cấp cứu kịp thời. Một cô bé bị bạn bè bắt nạt, đánh đập, lột sạch quần áo nhưng người đi đường chỉ lắc đầu ngán ngẩm rồi bỏ đi. Hậu quả là cô bé tự tử vì quá xấu hổ.
Vô tâm, thờ ơ không chỉ là tính cách, là lối sống mà còn thể hiện trách nhiệm của mỗi người trước cuộc đời. Nó không chỉ liên quan đến cá nhân mà mang đến hệ lụy cho toàn xã hội.
Quan điểm sống ấy là thiếu ý thức cộng đồng. Sợ làm việc tốt, ngại sẻ chia, quan tâm sẽ khiến xã hội thụt lùi. Mặc dù xã hội hiện nay cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến cách sống ấy. Nhưng lựa chọn sống như thế nào là ở chính chúng ta. Ta cần sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Xem thêm: Con hát mẹ khen hay
Lời kết
Đèn nhà ai nấy rạng muốn ám chỉ những con người sống ích kỉ, hẹp hòi. Bên cạnh đó còn phê phán lối sống thờ ơ, vô tâm. Chúng ta cần lên tiếng cùng nhau xóa bỏ lối sống này để tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Cho đi điều gì thì sẽ nhận lại điều đó. Hãy lan tỏa những điều tốt đẹp và sự tử tế để bản thân ta cũng sẽ nhận lại điều tương tự