Con người có một cái miệng nhưng lại có đến hai cái tai. Đó là sự ngẫu nhiên của tạo hóa hay là từ thuở khai nguyên, thượng đế đã mong muốn con người nói ít lại và lắng nghe nhiều hơn. Thế nhưng, mỗi ngày trôi qua ta lại phải lắng nghe quá nhiều ý kiến khác nhau. Trước những lời nhận xét từ người khác, có thể ta cảm thấy vui những cũng có lúc lại cảm thấy khó chịu. Nói về vấn đề này, ông cha ta từng đúc kết: Thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng.
Xem thêm bài viết: Thành ngữ “Có tiền mua tiên cũng được”
Thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng
Thành ngữ Thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng bắt nguồn từ thành ngữ tiếng Hán. Nguyên văn của câu nói này là: “lương dược khổ khẩu, trung ngôn nghịch nhĩ”. Nó được đúc kết từ câu chuyện có thật ở Trung Quốc.
Năm 207 trước công nguyên, Lưu Bang dẫn đầu quân khởi nghĩa và lật đổ nhà Tần. Sau khi chiếm Hàm Dương, thủ đô nhà Tần, Lưu Bang đã đi bên trong cung điện và quan sát.
Ông nhìn thấy tòa nhà lộng lẫy và rất nhiều báu vật khắp mọi nơi. Bất cứ nơi nào ông đến, các mỹ nữ xinh đẹp đều bước ra cúi chào. Càng quan sát, Lưu Bang càng tò mò và thích thú nên ông quyết định sống trong cung điện một thời gian để hưởng thụ.
Nghe tin, Phàn Khoái là một tướng dưới quyền Lưu Bang, đưa ra lời can gián. Nhưng Lưu Bang cứ nhất quyết làm theo ý mình. Trương Lương – quân sư của Lưu Bang biết chuyện đã đến khuyên giải. Trong lời của Trương Lương có câu: “Lời khuyên tốt nghe không êm tai nhưng có ích cho người nghe, giống như thuốc tốt có vị đắng nhưng hiệu quả cho người bệnh”. Từ câu nói ấy, dân gian đúc kết nó thành câu thành ngữ, truyền tụng từ đời này sang đời khác.
Với người Việt, Thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng được hiểu là: sự thật có thể khiến người nghe cảm thấy khó chịu nhưng vẫn cần phải được nói ra.
Thuốc đắng dã tật
Câu thành ngữ lấy vế đầu Thuốc đắng dã tật để làm căn cứ diễn giải vế sau.
Thuốc ở đây là thuốc chữa bệnh. Nó là một sản phẩm do con người sáng tạo ra. Thuốc rất đa dạng về chủng loại và xuất xứ. Ngoài việc giúp điều trị những căn bệnh nó còn có thể giúp bồi bổ cho cơ thể.
Thuốc là thứ vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Đa số nó đều có vị đắng. Nên vô hình chung, người ta cho rằng: thuốc thì bắt buộc phải đắng và thuốc càng đắng thì càng tốt. Những thứ thuốc có vị ngọt chỉ để đánh lừa vị giác chứ không có tác dụng chữa bệnh. Thuốc có đắng thì bệnh mới thuyên giảm được.
Quan niệm này tuy không hoàn toàn đúng, nhưng nó đã được lưu truyền từ đời này, sang đời khác. Thuốc đắng giã tật trở thành kinh nghiệm trong chữa bệnh. Hơn thế nó còn là lời động viên cho những người không may bệnh tật, dũng cảm dùng thuốc để chữa bệnh.
Tham khảo thêm bài viết: Tục ngữ “Bán anh em xa mua láng giềng gần”
Sự thật mất lòng
Sự thật ở đây là những gì chân thật ở đời. Sự thật dễ khiến con người khó chấp nhận. Thậm chí là không dám chấp nhận. Không phải ai cũng mạnh mẽ nhận lấy khuyết điểm và sai lầm của bản thân.
Cũng giống như việc uống thuốc đắng vậy. Biết nó đắng, nên không phải ai cũng dám uống. Rồi uống thuốc thì sẽ hết bệnh, nhưng phải chịu đựng vị đắng. Nói ra sự thật là điều tốt những dễ làm mối quan hệ đổ vỡ.
Nhiều khi ta phải nói dối để tránh phải làm mất địa vị của mình trong lòng người khác. Những câu nói thật vạch trần những điểm yếu kém của người khác dễ dàng bị người đối diện ghét. Khen người khác đã khó. Mở lời để chê cho khéo léo còn khó hơn gấp bội.
Tệ hại hơn là có những lúc ta còn phải tự nói dối chính bản thân mình. Bởi ta không muốn tin, cũng không dám tin vào sự thật.
Tuy nhiên, trước mỗi sai lầm của mình, nếu được người khác khuyên bảo thì quả là điều đáng quý. Với một góc nhìn khác, người ta sẽ nhận thấy rõ ràng hơn những khuyết điểm của bạn.
Biết rằng lời nhắc nhỏ ấy sẽ có thể khiến ta tổn thương. Thế nhưng, sự thật vẫn là sự thật. Cho dù ta không chấp nhận nó thì nó vẫn cứ tồn tại. Bởi vậy, thay vì buồn bã hay ấm ức, ta hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật. Dựa vào chính nó để sửa chữa bản thân, khắc phục lỗi lầm.
Thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng phản ánh cách hành xử của mỗi người
Chẳng ai có thể hoàn hảo trong mắt người khác. Thế nên, có khen có chê mới là cuộc sống. Tiếc rằng lời chê thường rất khó nghe. Khi ta nói sự thật về mặt xấu của người khác dễ khiến người nghe phật lòng. Người bị chê thì khó chịu mà người chê thì bị ghét.
Thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng phản ánh cách hành xử của con người ở cả hai vị trí. Mà ở đó, nếu ta ở vị trí người nói thì dù là bị mất lòng nhưng vẫn luôn phải nói ra sự thật. Tương tự như vậy, khi ở vị trí người nghe muốn hoàn thiện hơn thì ta phải cố gắng tiếp thu những lời góp ý. Quan trọng hơn là, chính vì là những lời khó nghe, nên chỉ những người quan tâm đến ta mới nói cho ta biết sự thật.
Tham khảo thêm bài viết: Tục ngữ “Sóng sau xô sóng trước”
Dũng cảm đối diện với sự thật
Thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng nhắc nhở ta dũng cảm lên tiếng và dũng cảm chấp nhận sự thật. Biết lắng nghe, biết tiếp thu những lời khuyên đúng lúc là cách để mỗi chúng ta dần hoàn thiện bản thân mình.
Hằng ngày ta phải đối diện với nhiều hoàn cảnh. Trong đó có rất nhiều trường hợp oái ăm, khiến ta không thể chấp nhận. Đôi khi, chúng chính là sự thật – một thứ ta biết, ta hiểu nhưng ta không muốn nghe hay sẵn sàng chấp nhận.
Nhưng cũng chính nó là những thử thách, khó khăn đòi hỏi chúng ta phải có bản lĩnh mạnh mẽ để đối mặt. Dù sợ hãi đến đâu, có những lúc chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào sự thật phũ phàng để vượt qua nó. Rồi từ đó ta mới có thể trưởng thành được.
Trong cuộc sống, ai cũng muốn lợi ích thuộc về mình. Thế nên, đôi khi ta cũng có những hành động sai trái, gây ra tổn thất hoặc làm tổn thương người khác. Nếu ta tự biết sửa đổi, thành thực nhận lỗi và khắc phục sai lầm sẽ làm hạn chế hậu quả. Và quan trọng hơn hết, khiến cho mối quan hệ giữa ta và người khác trở nên tốt đẹp hơn.
Còn khi ta là người nói ra sự thật thì hãy chắc chắn về điều mình sắp làm. Lời nói có tính sát thương rất lớn. Khi muốn góp ý cho ai đó hãy dùng sự chân thành và khéo léo chia sẻ. Những hành động xuất phát từ thiện ý sẽ luôn được chấp nhận một cách nhẹ nhàng.
Lời kết
Thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng quả là một bài học sâu sắc cho mỗi chúng ta. Trước mỗi khó trăn, trở ngại, ta cần biết cách cư xử đúng mực. Và quan trọng là phân biệt được phải trái, đúng sai, sẵn sàng chịu trách nhiệm. Dũng cảm thừa nhận sự thật và biết lắng nghe người khác chính là chìa khóa mở ra tương lai tươi sáng, rạng rỡ.
Tham khảo thêm bài viết: Tục ngữ “Sông có khúc, người có lúc”