“Của chồng công vợ”
Đây là một câu tục ngữ khá quen thuộc trong đời sống hàng ngày và hầu như tất cả những người trưởng thành đều biết. “Của chồng công vợ”, câu tục ngữ nêu lên một đạo lý hiển nhiên trong cuộc sống. Có người nghe tới nó sẽ gật gù tán thưởng, cũng có người cay đắng và xót xa cho những chuyện đã qua.
Nói thì nói như thế nhưng liệu có mấy người hiểu và áp dụng được đạo lý này?
“Của chồng công vợ”
Có những người vợ trực tiếp cùng chồng gây dựng sự nghiệp, chung sức làm ăn thì câu nói này hiển nhiên đúng. Bên cạnh đó, có những người vợ không tham gia vào việc kinh doanh cùng chồng mà chỉ là hậu phương vững chắc thì câu nói này vẫn đúng. Vì sao ư, vì nhờ có người vợ vun vén gia đình cũng như ủng hộ về mặt tinh thần thì người chồng mới có thể an tâm gây dựng sự nghiệp.
Mỗi người đều có những vai trò riêng của mình trong gia đình, khó có thể nói ai vất vả hơn ai hay ai có công nhiều hơn ai. Chưa chắc bôn ba ra ngoài kiếm tiền là vất vả hơn, cũng chưa chắc ở nhà chăm lo việc nội trợ mà nhàn hạ. Bất kể là vợ hay chồng, ai cũng những vai trò và giá trị của riêng mình. Ông bà ta nói “Của chồng công vợ” là rất đúng. Một mình người chồng không thể vừa “đối nội” vừa “đối ngoại”. Không có hậu phương vững chắc thì tiền tuyến cũng khó mà vững bền.
Ai cũng vất vả như nhau nên nếu hiểu được vai trò của người bạn đời của mình thì trong lòng mỗi người sẽ biết ơn và trân trọng đối với người kia. Họ sẽ không cảm thấy công lao của mình là to lớn hơn, không kiêu ngạo và độc đoán. Thế thì lời nói ra, cho tới hành động đều sẽ có sự cung kính, khiêm nhường. Hôn nhân vì vậy mà được thuận hoà, hạnh phúc.
Hiểu được giá trị của nhau
Thật ra, mỗi người đều nên ý thức được vai trò của mình và có sự tôn trọng cũng như biết ơn nhất định đối với người bạn đời của mình. Chúng ta đã là một đôi nên hãy cố gắng vì nhau, vì tương lai của hai đứa, của cả gia đình chứ không riêng vì bất cứ cá nhân nào. Mỗi chuyện nhường một chút sẽ thuận hòa và yên bình hơn.
Xem thêm: “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi bớt lửa muôn đời không khê”
Bất kể là người chồng hay người vợ đều xứng đáng được hưởng hạnh phúc vì cả hai đều có công như nhau. Bạn nhìn gia đình người khác, bạn ngưỡng mộ vì thấy vợ chồng họ đồng lòng trên thương trường. Còn ngược lại, họ lại ngưỡng mộ bạn vì có một người vợ biết chăm lo chu đáo cho gia đình. Cuộc sống chính là như vậy, người ta chỉ biết mơ ước những thứ xa vời mà không biết trân trọng hiện tại.
Bài viết tham khảo: “Đứng núi này trông núi nọ”
Chồng lo việc ngoài ngõ, việc lo việc trông nhà hoặc cả hai cùng đồng lòng sát cánh thì đều đáng quý như nhau. Người ta nói “Phía sau người đàn ông luôn là người phụ nữ”. Vậy nên, sự thành công của người chồng hôm nay ít nhiều gì cũng phải có công người vợ. Xưa nay, “Của chồng công vợ” không sai bao giờ.
Khi bình yên, người ta thường quên lời thề trong giông bão
Mang tiếng là “Của chồng công vợ” nhưng đàn ông có mấy ai nghĩ được và hiểu được như vậy đâu. Việc nhà cửa con cái thì họ bảo của đàn bà, thế nhưng vợ làm hậu phương cho họ đi kiếm tiền thì họ lại nói đó là tiền của họ, họ có quyền.
Đặt lên bàn cân chục năm bên nhau với bao cay đắng ngọt bùi, nhiều khi lại chẳng thể bằng đôi ba tháng ái tình lén lút phiêu lưu. Đời người phụ nữ, đớn đau nhất chắc là lúc này. Một người vô tâm, ích kỷ còn một người chỉ biết chịu đựng và hy sinh. Như thế liệu có công bằng?
Người chồng cho rằng họ thành công, họ có quyền tìm đến một người trẻ trung và xinh đẹp hơn nhưng họ đã quên rằng, họ đã làm cho một người từng trẻ trung nay biến thành lam lũ. Ông bà ta nói “Của chồng công vợ”, vậy mà chồng thành công lại quên người đã luôn gồng gánh chăm lo cho mình. Đớn đau thay phận đàn bà, quanh quẩn vào ra xó bếp cũng vất vả mà mấy ai hiểu?
Ngẫm câu chuyện chung…
Chắc hẳn trong chúng ta, rất nhiều người phụ nữ đã tự hào về cuộc hôn nhân của mình, luôn tự hào về chuyện tình mười mấy năm cùng vượt qua sóng gió cuộc đời. Thế nhưng, khi đứng trước một cuộc tình ngắn ngủi, mới chớm, một cuộc tình mà người chồng đã rời khỏi vòng tay vợ để lao vào một cô gái khác trẻ đẹp hơn, biết chiều chuộng hơn, mới mẻ hơn thì mình phải đành quyết định buông tay.
Một câu chuyện tình buồn, một cái kết điển hình của nhiều cuộc hôn nhân dài lâu mà tác nhân là người thứ 3 xen vào. Đứng giữa những ngọt ngào của một bóng hình mới, người ta quên thật nhanh những gì mình đã cùng người bạn đời gian khó vượt qua.
Một cảm giác đau xót trào dâng khi nhìn thấy những hình ảnh người mới quấn quýt bên nhau và cay đắng cho phận mình. Người đàn ông ấy là người mình đã ở bên trong suốt quãng đời tuổi trẻ của mình, lo cho anh như lo cho một đứa trẻ, hy sinh sự nghiệp riêng để người đàn ông mình yêu được theo đuổi ước mơ. Và sau nhiều năm âm thầm ở bên cạnh thì cuối cùng, người đàn ông lại chọn bước tới với một cô gái mới, để lại một cuộc hôn nhân dang dở nặng những ân tình.
Và kết cục của những người như thế chắc chắn cũng chẳng cần bạn phải bận tâm. Họ sẽ nhận được cái kết “xứng đáng” với những gì mà mình đã gây ra. Tin tôi đi, xưa nay người ở hiền luôn luôn gặp lành nên chẳng gì phải lăn tăn cả.
Lời kết
Câu tục ngữ “Của chồng công vợ” đã trở thành một đạo lý hiển nhiên trong cuộc sống. Hy vọng rằng, những người vợ sẽ hiểu được vai trò của mình và giúp đỡ chồng mình thành công hơn. Và hy vọng những người chồng sẽ hiểu được giá trị của vợ mình để trân trọng cô ấy hơn.