Vừa đọc câu chuyện về người cha không biết vì lý do gì mà lôi hai đứa con ra nơi hoang vắng để siết cổ và đập đầu. Cũng may là đứa bé bị siết cổ tỉnh dậy và đưa em nó đi nhờ người cứu. Đọc xong tự dưng thấy rùng mình và căm phẫn. Ông bà ta có câu “Hổ dữ không ăn thịt con” mà cớ chi giữa người với người lại đối đãi với nhau như thế. Người xa lạ đã gọi là mất nhân tính chứ huống hồ gì là con ruột đang mang trong người dòng máu của mình.
Xã hội thì ngày càng thay đổi theo hướng tích cực nhưng lòng dạ con người đã biến chất đến như thế rồi hay sao?
“Hổ dữ không ăn thịt con”
Loài hổ vốn được ví như là chúa tể của rừng xanh, dữ dằn có tiếng trong muôn loài. Bất kể loài vật nào khi nghe tới hổ cũng phải e dè vì sức mạnh và độ hung tàn của nó. Ngay cả con người nghe đến tên hổ còn phải run rẩy. Thế nhưng, nó cũng như bao con vật trên đời, biết thế nào là “Máu chảy ruột mềm”. Dù có dữ dằn và hung tàn bao nhiêu, nó cũng biết thương con và bảo vệ con mình. Vậy nên người ta mới bảo “Hổ dữ không ăn thịt con”.
Xem thêm bài viết tham khảo “Ác giả ác báo”
Đến con hổ tàn bạo như thế còn biết khôn mà không ăn thịt con mình thì trên đời này, không một ai có thể đối xử nhẫn tâm với con mình được. Vậy mà, con người chúng ta vẫn làm đầy ra đấy đó thôi. Hàng ngày, chúng ta biết được bao nhiêu câu chuyện về cha mẹ hành hạ, đánh đập thậm chí là giết con cái, nạn phá thai, vứt bỏ con nhỏ tràn lan,…Nhiều đến mức tôi tự hỏi mình rằng, chúng ta có thật là sống trong xã hội văn minh hay không?
Ai cũng có quyền được sống
Câu chuyện về những bà mẹ trẻ bỏ rơi con trong sọt rác, trước cửa chùa hay trong bệnh viện khiến chúng ta không còn xa lạ gì nữa. Từ phẫn nộ chúng ta giờ đây chỉ biết đau xót và ngao ngán lắc đầu. Rồi nạn phá thai tràn lan, những đứa trẻ chưa đủ lớn lại mang trong người thêm một đứa trẻ. Nhưng những đứa trẻ ấy lại không có cơ hội chào đời, thậm chí là bị giết chết một cách đau đớn.
Dẫu nói như thế nào, việc giết đi một sinh mạng cũng là điều quá nhẫn tâm. Thế nên, tốt nhất là chúng ta nên giữ mình, chịu trách nhiệm về những chuyện mình đã gây ra. Thời đại nào rồi mà việc phòng tránh thai lại khiến giới trẻ mù mờ không hiểu, sự ngu ngơ của các bạn đã gián tiếp làm hại những sinh linh vô tội.
Ai cũng có quyền được sống và dù là cha mẹ cũng không được tước đi quyền hạn đó. Nói thế nào thì cũng là máu thịt, con của mình mà mình còn làm hại thì trên đời này chúng ta còn biết tin vào ai nữa? Vậy nên, những thế hệ người trẻ hãy cập nhật kiến thức để hiểu và bảo vệ bản thân, tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra. Tuổi trẻ luôn có thể bị mắc sai lầm, chúng ta đừng vì muốn chối bỏ mà biến bản thân trở nên độc ác đến mức không thể chấp nhận.
Có một thứ gọi là tình thân
Nạn bạo lực gia đình luôn gây ra những hậu quả khiến người ta đau xót. Nhất là ở những vùng quê nghèo, người ta nhẫn nhịn chịu đựng cho đến một ngày “Tức nước vỡ bờ” và mọi thứ đã không thể cứu vãn nữa.
Tôi lớn lên ở một vùng quê nhỏ, nơi có những con người lam lũ, chất phác nhưng cũng không thiếu những kẻ mất nhân tính. Hàng xóm của tôi trước đây là một kẻ nát rượu, gã trong ấn tượng của tôi là kẻ suốt ngày say khướt và hay la lối lung tung. Khi tôi bắt đầu có nhận thức, tôi hiểu rằng đó là một gia đình không hạnh phúc. Nơi đó có người vợ lầm lũi với những vết bầm tím trên cơ thể, đứa con nhỏ gầy gò cũng không thể thoát khỏi đòn roi của cha mình. Ngôi nhà xơ xác với những con người khốn khổ.
Nhiều lần, mấy cán bộ xã đến khuyên răn hắn đừng đánh vợ con nữa nhưng hắn vẫn không nghe, nhất quyết làm theo ý mình. Chị vợ vì thương con nên cứ nhẫn nhịn mà chịu đựng. Cho đến một ngày, hắn nổi cơn ghen điên loạn, giết con mình và tự sát bằng cách đốt nhà. Chị vợ đi làm về, mảnh đất nhỏ chỉ còn lại một đống đổ nát. Cuối cùng, người phụ nữ tưởng chừng như mạnh mẽ đó cũng đã ngất lịm đi…
“Nhân chi sơ, tính bổn thiện”
Người ta tin rằng, con người sinh ra đã mang sẵn bản tính lương thiện, chỉ là do hoàn cảnh và môi trường mới trở nên mất nhân tính. Tôi cũng không rõ nhưng có lẽ, điều đó đúng một phần. Thế nhưng, chúng ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho cuộc sống mà quên mất rằng bản thân cũng phải có bản lĩnh để chống lại nó. Chẳng lẽ, bạn cứ phó mặc cho số phận mà để bản thân mặc tình sa ngã hay sao.
Xem thêm bài viết tham khảo “Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng”
Trên đời này, người tốt và người xấu đều có đủ cả và cuộc sống của mỗi người đều có những khó khăn riêng. Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao người ta có thể ưu tú như thế còn mình thì không? Chẳng phải người ta gặp khó khăn nhỏ hơn bạn, cũng chưa hẳn được sống trong môi trường tốt hơn bạn. Đó chỉ là thứ yếu, họ cũng phải rèn luyện, phải tu dưỡng và chịu được khó khăn khắc nghiệt mới trưởng thành.
Cứ mãi so sánh với người khác chi bằng mình cứ cố gắng và phấn đấu. Những kẻ mất nhân tính không thể đổ lỗi cho bất kì lý do gì, những kẻ giết đi máu thịt của mình lại càng không. Nhìn thấy một người xa lạ bị nạn mà bản thân còn cảm thấy đau xót huống chi là máu mủ của mình. Xã hội loạn lạc và đến chúng ta cũng không thể tin vào bản thân mình nữa rồi.
Lời kết
Ông bà ta dạy “Hổ dữ không ăn thịt con” thì hành động cha mẹ làm hại con cái đúng là không thể dung thứ. Đời có luật nhân quả, vay trả rõ ràng nên việc mình làm chắc chắn sẽ có ngày mình phải chịu trách nhiệm. Chúng ta không thể cản nỗi những người lớn thì hãy quan tâm nhiều hơn đến những đứa trẻ. Đừng lơ là để rồi sau này hối hận cũng không kịp nữa.