Áo gấm đi đêm là thành ngữ phê phán sự không đúng lúc, không hợp lí của một hành động nào đó. Hay nói đúng hơn, thành ngữ này chỉ sự lãng phí, không có tác dụng.
Áo gấm là loại áo được làm bằng vải gấm. Loại vải này được làm từ tơ lụa thượng hạng nên vải vừa mềm, vừa sang. Thêm đó chiếc áo gấm bao giờ cũng được điểm thêm nhiều hoa văn đẹp đẽ. Vì vậy, chiếc áo gấm là thứ rất quý giá, chỉ có vua quan mới có được.
Xưa kia, chiếc áo gấm thể hiện cho sự giàu có, quyền quý. Mặc trên mình chiếc áo gấm sang trọng lắm. Áo gấm còn là sự vinh dự cho những cô cậu học trò đỗ đạt. Ngày vinh quy về làng mặc chiếc áo gấm vua ban thì quả là vinh hiển.
Ấy vậy mà trong Áo gấm đi đêm chiếc áo gấm này lại được sử dụng vào ban đêm. Giữa một vùng tối đen như mực, mặc áo gấm hay áo vải thì cũng chẳng ai phân biệt được. Cái sang của áo gấm cũng chẳng ai nhận thấy hay công nhận được. Mặc áo gấm đi đêm quả là phí hoài. Chẳng ai có thể thấy được sự lấp lánh của nó mà chiêm ngưỡng, mà thán phục.
Xem thêm bài viết:
Câu chuyện chàng học trò
Xưa kia có anh học trò nọ vừa học dốt lại hay khoác lác. Anh ta nói với vợ:
– Ta phen này đi thi nhất định đỗ. Nhà rồi sẽ thấy, ta sẽ có áo gấm mặc về làng, cả làng ra đón. Bọn quan lại nhãi nhép ở cái tổng này phải ra mà cúi lạy ta. Lúc ấy ta thật là danh giá, mình cũng thơm lây.
Người vợ nghe vậy thì mừng ra mặt. Nàng ngày đêm tần tảo lo toan cho chồng ăn học, mong ngóng ngày chồng đỗ đạt.
Ấy thế mà khi kì thi đến, anh ta dốt nên thi trượt. Nghĩ đến việc đã trót nói với vợ, anh ta xấu hổ lắm, không biết làm thế nào. Rồi anh ta mượn chiếc áo gấm của người bạn thân đã đỗ đạt. Nhưng mặc ban ngày thì không tiện, sợ có người biết mình thi trượt sẽ kêu quan. Anh ta đành chờ đêm tối, mặc áo gấm vào rồi lẻn về nhà.
Thấy chồng mặc áo gấm về, người vợ mừng quýnh, bảo chồng:
– Để mai em làm cỗ bàn mời các bác đến mừng chồng em vinh quy.
Anh học trò nghe thế sợ lắm, vội cởi áo ra cất vào tay nải. Đến sáng hôm sau mọi người đến nhà anh đông đủ cả. Ai cũng chờ mong được chiêm ngưỡng chiếc áo gấm vua ban. Thế nhưng đợi mãi mà không thấy đem ra. Mọi người mới gặng hỏi mãi anh chàng học trò nọ mới lúng túng nói:
– Áo gấm của tôi, vua ban chỉ được mặc đi đêm thôi.
Biết chuyện, từ bấy làng có câu:
Vẻ vang gì áo gấm đi đêm
Khác gì cái mảnh chăn mền vắt vai.
Hoài phí về tài năng
Câu chuyện trên vừa phê phán kiểu người háo danh, khoác lác. Vừa dụng ý chỉ những việc làm, hành động khuất tất. Quan trọng hơn là chỉ sự phí hoài.
Áo gấm đi đêm xưa kia thường để chỉ sự phí hoài tài năng. Có những người có được tài năng kiệt xuất. Giỏi giang, đẹp đẽ y như chiếc áo gấm kia. Nhưng lại chỉ xuất hiện trong màn đêm. Chẳng ai nhìn thấy, chẳng ai nhận ra mà công nhận, thán phục.
Người tài danh nhưng không có đất dụng võ. Tài năng kia chẳng phải là phí hoài lắm sao?
Câu chuyện để phí tài năng ở nước ta đã tốn quá nhiều giấy mực của báo đài. Chính vì cơ sở vật chất vẫn còn thua kém nhiều nước bạn. Dân ta cũng còn nghèo nên giáo dục nước ta còn nhiều lạc hậu. Nhiều người tài năng nhưng lại thiếu nơi phát triển tài năng. Nhiều người đi du học trở về nước nhưng lại thiếu môi trường để lập nghiệp.
Tuy thế, người tài vẫn là người biết nhìn xa trông rộng. Nếu thật hiểu một biết mười thì ở bất cứ đâu vẫn cứ thể hiện được tài năng. Người sáng dạ, ắt tự tìm được cho mình con đường dụng võ.
Hoài phí tiền bạc
Cuộc sống ngày càng khá giả, con người ngày càng lãng phí hơn. Phải chăng vì quan niệm sống đã thay đổi hoàn toàn. Trước kia người ta chỉ cần ăn no, mặc ấm. Sau dần đổi thành ăn ngon mặc đẹp. Và bây giờ là ăn sành, mặc điệu.
Việc mua sắm, tiêu tiền cũng dễ dàng hơn bao giờ hết. Xưa kia có tiền cũng khó có chỗ mà tiêu. Ấy vậy mà bây giờ chỉ cần vài cú nhấp chuột, hàng hóa được đem đến tận tay người mua.
Cũng chính vì vậy, người ta hay mua những thứ mình thích. Để rồi quên mất những thứ mình cần. Chẳng hiếm có những cô cậu mua sắm thả ga. Nhưng lại luôn miệng không có gì để mặc. Phải chăng cũng vì muốn làm điệu, muốn mua thêm nên mới nói thế? Thực ra, họ có cả tủ quần áo nhưng đều không sử dụng được.
Mua sắm không kiểm soát. Rất nhiều người mang về nhà những món đồ không phù hợp. Hoặc chỉ có thể dùng một lần. Điều này gây lãng phí vô cùng lớn. Nhưng thật tiếc là không phải ai cũng nhận ra.
Tương tự như vậy, xưa kia ông cha ta còn nghèo đói. Họ trân trọng từng hạt lúa, củ khoai. Nhưng cuộc sống tốt đẹp hơn khiến người ta lãng phí cả thức ăn. Đói con mắt khiến họ mua sắm thật nhiều, nhưng ăn chẳng được bao nhiêu. Thế rồi lại cho vào thùng rác. Thật là lãng phí!
Lãng phí tiền bạc vào những việc không cần thiết vô hình trung khiến cho cuộc sống của bạn ngày càng khó khăn hơn. Áp lực về tiền sẽ luôn hiện hữu, ám ảnh cả cuộc đời.
Cách ăn nói, cách mặc trang phục bao giờ cũng cần hợp thời, đúng lúc
Đúng lúc, đúng nơi, đúng thời điểm
Áo gấm đi đêm còn gợi nhiều về câu chuyện đúng lúc, hợp thời.
Ví như chuyện ăn mặc, mặc quần áo gì cho phù hợp với hoàn cảnh là vô cùng quan trọng. Đi đám cưới thì mặc gì cho lịch sự. Đi đám ma thì phải làm sao cho không kệch cỡm, khó nhìn. Chuyện học ăn, học nói, học gói, học mở là bài học mà mỗi người học cả đời cũng chưa xong.
Song song với đó, chuyện ăn gì vào lúc nào cũng có ý nghĩa không kém. Nói gì vào lúc nào cũng là vấn đề mà ai nấy phải lưu tâm. Nếu ai cũng hành xử đúng lúc, đúng nơi, đúng thời điểm thì có lẽ cuộc sống cũng nhẹ nhàng biết bao nhiêu.
Tuy nhiên cuộc sống này mọi thứ cũng chỉ là tương đối. Chẳng có gì là chính xác cho mọi hoàn cảnh. Có người với họ thế này là đúng, nhưng với người khác thì chưa hẳn.
Hãy sống, chiêm nghiệm cuộc sống theo cách của bạn. Nhưng để cuộc sống nhẹ nhàng và thoải mái hơn, hãy biết cân nhắc, biết kiềm chế bản thân để đưa ra được những quyết định đúng đắn nhất ở những thời điểm thích hợp nhất.
Lời kết
Thành ngữ Áo gấm đi đêm không được sử dụng thông dụng trong thời điểm hiện nay. Không phải vì nó không còn giá trị mà ít ai hiểu hết được những dụng ý của nó nên không sử dụng được nó trong các hoàn cảnh cần thiết. Áo gấm đi đêm đem đến cho ta bài học về đối nhân xử thế, về cách thể hiện bản thân trong cuộc sống.
Tham khảo thêm bài viết: