Học tập vốn là một quá trình lâu dài và nhiều gian nan, vất vả. Bên cạnh sự chăm chỉ, cần cù, cần có một phương pháp học tập đúng đắn. Đó cũng là yếu tố giúp chúng ta đi đến thành công. Ông cha ta từng dạy lí thuyết hay không bằng thực hành giỏi, “trăm hay không bằng tay quen”. Bài học ấy luôn đúng trong mọi thời đại và được đúc kết trong câu tục ngữ: “Học đi đôi với hành”.
Xem thêm: Con hơn cha là nhà có phúc
Học đi đôi với hành
“Học” là quá trình tiếp thu kiến thức được tích lũy trong sách vở, là trau dồi tri thức. Con người có học là con người biết suy nghĩ, có nhận thức, có sự hiểu biết. Lê-nin từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Xã hội ngày càng phát triển thế nên đòi hỏi mỗi người phải có sự hiểu biết, trình độ, khả năng chuyên môn nhất định. Học tập là công việc suốt đời đối với mỗi một con người.
Nếu như “học” ở đây được gắn với lí thuyết thì “hành” được hiểu là thực hành. “Hành” là ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống.
“Hành” cũng có thể hiểu là bắt chước người khác làm, làm lại theo những gì còn lưu trong trí nhớ, hay sáng tạo từ những kiến thức đã học,… “Hành” phụ thuộc nhiều vào tri thức mà bạn học được phong phú sinh động và sâu sắc đến bao nhiêu.
“Học đi đôi với hành” khiến cho nhận thức và hành động của con người có tính thống nhất, bổ sung cho nhau. Nó làm cho cái ta học được trở nên sâu sắc và vững chắc. Và theo đó, hành động của ta có cơ sở khoa học, sẽ trôi chảy, dễ dàng hơn.
Học đi đôi với hành là phương pháp học tập khoa học, đạt hiệu quả cao và phù hợp với mọi thời đại.
Việc học là gốc rễ
Học tập là quá trình tích lũy tri thức, là nền tảng của mọi công việc. Mọi vấn đề trong cuộc sống đều phải học tập. Quá trình này nhằm làm phong phú những hiểu biết của con người. Học ở đây không chỉ là học trong sách vở, bó hẹp trong phạm vi nhà trường mà còn phải học trong đời sống.
Việc học giúp phát triển vẹn toàn nhân cách và trang bị cho mỗi chúng ta những kiến thức, những kĩ năng, kĩ xảo nghề nghiệp. Có được những kiến thức cần thiết ta mới có thể tham gia vào hoạt động sản xuất của xã hội đem đến lợi ích cho bản thân, cho gia đình và cho đất nước.
Bên cạnh đó, việc học tập hằng ngày từ cuộc sống giúp ta biết đối nhân xử thế. Giúp ta biết an ủi, biết sẻ chia, biết quan tâm người khác. Quan trọng hơn là biết cách hòa nhập, chung sống với mọi người. Từ việc học mỗi chúng ta kiến tạo cho mình một tâm hồn, một cách sống đẹp và có ý nghĩa.
Có thể coi việc học như gốc rễ của một cái cây. Rễ có vững chắc thì cây mới phát triển tốt, đâm cành đẻ nhánh, mạnh mẽ, cứng cáp trước sóng gió cuộc đời. Người học giỏi thường được hiểu là người nắm được nhiều nội dung lí thuyết. Học sẽ là ngọn đèn soi sáng cho việc thực hành sau này.
Tham khảo thêm bài viết: Có cứng mới đứng đầu gió
“Mọi lí thuyết đều là màu xám, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi”.
Chỉ học thôi mà không áp dụng vào thực tế thì những kiến thức học được sẽ trở thành vô ích. Không những thế mà còn gây tốn kém công sức, tiền bạc, thời gian. Nhất là trong thời đại khoa học công nghệ ngày nay, thực hành tốt là một yêu cầu quan trọng đối với người lao động.
Trên cơ sở nắm chắc bài học, chúng ta sẽ có điều kiện vận dụng vào thực tiễn. Và khi ấy học không chỉ ở trường lớp mà cả tự học, học bạn, học người thân, học đồng môn, đồng nghiệp. Hành không chỉ ở trong phòng thí nghiệm mà phải vận dụng vào cuộc sống hàng ngày, trong ăn ở, đi lại, giao tiếp và làm việc.
Xã hội hiện nay cái được quan tâm hàng đầu là sản phẩm, là thành quả lao động chứ không phải là hiểu biết trên lý thuyết. Một khi sản phẩm không đạt thì dẫu cho có thành tích học tập tốt đến đâu thì ta cũng là vô ích.
Học đi đôi với hành sẽ giúp ta nắm chắc kiến thức hơn, nhớ lâu hơn và hiểu sâu hơn những điều được học. Từ đó việc học cũng không bị nhàm chán. Thực hành sẽ đưa lí thuyết thành những tri thức chân chính.
Học đi đôi với hành tạo nên sự hòa hợp giữa nhân cách và tri thức.
Lối học chuộng hình thức
Bàn về phương pháp học, mỗi người lại có một phương pháp khác nhau. Phương pháp nào cũng đúc kết những kinh nghiệm, hỗ trợ chúng ta trên con đường chiếm lĩnh tri thức. Học đi đôi với hành là phương pháp đã có từ lâu và đem lại kết quả cao.
Tuy nhiên nhiều bạn trẻ hiện nay quá chú trọng vào việc học lý thuyết ở trường mà đôi khi quên mất phải thực hành. Lối học chuộng hình thức, học vẹt, học gạo dường như khá phổ biến.
Đâu khó để có thể bắt gặp những tình huống oái ăm từ kiểu học lí thuyết suông. Nhiều cậu ấm cô chiêu sáng tối đều đâm đầu vào sách vở. Từ định nghĩa, định lý đến mớ công thức dài dằng dặc chúng đều nhớ cả. Thế nhưng không thể tính được diện tích của ngôi nhà mình đang sống.
Hay đang chán hơn là miệng đọc làu làu hàng trăm câu tục ngữ ca dao. Vậy mà gặp người lớn không biết chào, gặp trẻ em không biết nhường nhịn. Thậm chí là gặp thầy cô giáo chẳng biết dạ thưa.
Học mà không hành chỉ trở thành những “con mọt sách”. Đối diện với những vấn đề cuộc sống đặt ra, những “con mọt sách” ấy sẽ trở thành những “thầy bói xem voi” mà thôi.
Lời kết
“Học đi đôi với hành” vừa là nguyên lý giáo dục vừa là phương pháp học tập hiệu quả. Để thực hiện nguyên lý này, mỗi người phải xác định cho mình mục đích học tập đúng đắn. Khi đó chúng ta mới có thể say mê nghiên cứu, học tập. Có được mục đích học tập ta cũng sẽ hiểu mình cần áp dụng gì và thực tế đời sống. Việc học theo đó mà có ý nghĩa hơn, thiết thực hơn.
Tri thức nhân loại hàng triệu năm qua hầu hết được đúc kết và truyền lại dưới dạng lí thuyết. Muốn chiếm lĩnh phần tri thức ấy ta phải đem nó vào áp dụng trong thực tế cuộc sống. Học đi đôi với hành là kim chỉ nam cho mọi người trên con đường chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức và tạo dựng sự nghiệp.
Xem thêm bài viết: Một cánh én không làm nên mùa xuân